Vài nét về Jamgon Mipham Rinpoche

Trong số các Đại Sư bác học và thành tựu của Tây Tạng, Jamgon Mipham Namgyal Gyatso hay Mipham Rinpoche là bậc Thầy được tôn vinh như hóa thân chân thực của Đại Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Mipham Rinpoche chia sẻ mối quan hệ Thầy trò thân thiết với Jamyang Khyentse Wangpo, bậc Chủ tôn của các Đại Thành tựu giả và Đại Học giả xứ Tuyết. Một lần nọ, Khyentse Rinpoche đặt tất cả những pho kinh quý hiếm và thâm diệu thuộc cả Kinh thừa và Mật thừa lên bàn thờ, dâng rất nhiều phẩm cúng. Sau đó, Ngài đặt Mipham Rinpoche lên một pháp tòa cao, ngự phía trước những pho kính đó và nói : "Ta giao phó những kinh văn này cho ông. Từ bây giờ, hãy gìn giữ và bảo tồn chúng bằng sự thuyết pháp, tranh biện và trước tác. Hãy khiến cho giáo lý của Đấng Chiến Thắng trụ thế dài lâu."


Đại sư Jamgon Mipham Namgyal Gyatso

Như thế, Mipham Rinpoche đã thấu triệt tri kiến thậm thâm, làm chủ vô số hoạt động giác ngộ, đạt đến chỗ thông tỏ rốt ráo của mọi phương diện lý luận và danh tiếng của Ngài vang vọng khắp nơi. Với bốn điều kiện thiết yếu này, Ngài mang danh hiệu Mipham Jamyang Namgyal Gyatso và Khyentse Rinpoche đã ban cho Ngài chiếc mũ học giả của chính mình cùng những lời tán thán như một dấu hiệu công nhận Ngài là bậc kế thừa và nhiếp chính. Khyentse Rinpoche nói : "Trong thời đại này, chẳng ai trên thế gian lại uyên bác hơn Lama Mipham. Nếu như ta viết lại một chút về những công hạnh và tiểu sử đời trước của ông ấy thì một bộ Bát Nhã Ba La Mật cũng không chứa hết được. Cho dù ta làm điều đó thì ông ấy cũng sẽ không hài lòng." Đấng Chủ của Mạn Đà La, Jamgon Kongtrul Lodro Thaye thường gọi Mipham Rinpoche là "Đại học giả Mipham Gyatso." Trong các câu chuyện của mình, Kongtrul Rinpoche thường tán thán Mipham Rinpoche là Đấng Kim Cang Thủ thứ Hai, bậc Thầy của những Mật điển bí truyền thậm thâm và có oai đức bất khả tư nghì. Còn bậc Đại sư Paltrul Rinpoche đã trả lời như sau khi được hỏi giữa Ngài và Mipham Rinpoche, ai là bậc thông tuệ hơn : "Nếu nói về Kinh thừa thì chúng tôi ngang nhau. Còn về mật thừa thì khác biệt chút ít; Lama Mipham hiểu biết nhiều hơn tôi."

Những tác phẩm của Jamgon Mipham Rinpoche chính là thành quả từ trí tuệ vô ngại của Ngài. Người ta nói rằng trước khi viết một tác phẩm nào, Ngài đều cầu nguyện cho đến khi Đức Văn Thù thực sự hiện ra trước mặt Ngài. Về phần mình, Ngài nói : "Đôi lúc, chính nhờ nương tựa vào lòng từ ái của bậc Thầy và Bổn tôn thiền định mà [điều cần viết] tự nhiện xuất hiện trong tâm. Nếu như tác phẩm có vẻ được viết ra một cách vô ngại, nếu điều đó dễ dàng mà không cần nhiều chỉnh sửa thì nó hẳn phải hàm chứa một mục đích lớn lao. Chẳng một bài nguyện hay tác phẩm nào mà tôi từng viết lại chẳng có một mục tiêu cụ thể. Bất kỳ ai trì tụng chúng sẽ thọ nhận được lợi ích và phước lành gia trì to lớn."

Các học trò của Mipham Rinpoche gồm có Dodrubchen Rinpoche, Terton Sogyal, Dzogchen Rinpoche, Kathog Situ Rinpoche, Zhechen Rabjam Rinpoche, Gyatshab Rinpoche, Palpung Situ Rinpoche, Tokden Shakya Shri và nhiều vị khác nữa. Tựu chung, các bậc tái sinh lớn của các tu viện Zhechen, Dzogchen, Kathog, Palyul, Palpung cùng những nhánh khác của truyền thống Sakya, Gelug, Kagyu và Nyingma đều trở thành những học trò của Ngài.

0 comments: